Tin tức
Trang chủTin tức

Giải pháp giảm tải của Bộ Y tế: Bệnh viện lo mất tiền

Thứ Bảy, 23/03/2013 16:57
Ngày 22-3, tại hội nghị về giảm tải bệnh viện, Bộ Y tế đã công bố hàng loạt giải pháp, trong đó có yêu cầu bệnh viện nhận phần thiệt về mình, không thu tạm ứng viện phí trước khi bệnh nhân được khám bệnh.

Nhận xét về giải pháp này, nhiều ý kiến cho rằng chưa phù hợp với thực tế, có thể dẫn đến tình trạng thất thu viện phí.

Sợ mất tiền

Cán bộ y tế cơ bản là tốt, nhưng có những con sâu làm rầu nồi canh, cứ mạnh dạn loại những con sâu ấy đi. Điều này người dân đang quan tâm, xem các đồng chí có làm được không?

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, quy trình khám bệnh thông thường hiện hành tại các bệnh viện gồm 12 bước, ngay trước khi được khám bệnh và xét nghiệm, người bệnh phải nộp bảo hiểm y tế cũng như đóng phí tạm ứng. Khi bác sĩ khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thì bệnh nhân phải đóng phí lần nữa. Trường hợp bác sĩ chỉ định thăm dò chức năng, bệnh nhân lại phải đóng phí. Lắm quy trình, quy trình nào cũng phải đóng tiền, mà các khu khám bệnh - xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh thường không ở gần nhau, nên chỉ riêng việc đi lòng vòng và chờ đợi trong bệnh viện có khi kéo dài cả ngày.

Để cải tiến quy trình nêu trên, từ năm 2012, Bộ Y tế bắt đầu xây dựng hướng dẫn cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện. Tại hội nghị, dự thảo được công bố lấy ý kiến (dự thảo cũng từng được lấy ý kiến tại hội nghị riêng của các giám đốc bệnh viện). Theo dự thảo, sơ đồ quy trình khám bệnh lâm sàng đa khoa hoặc chuyên khoa chỉ tối đa bốn bước: tiếp đón - khám lâm sàng - thu phí và phát - lãnh thuốc. Nếu khám bệnh có xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, quy trình chỉ được kéo dài tối đa 6-8 bước: đón tiếp - khám lâm sàng - xét nghiệm (chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng) - trả xét nghiệm, phim chẩn đoán hình ảnh, kết quả thăm dò chức năng - cuối cùng là thu phí - phát và lãnh thuốc.

So với quy trình hiện hành, quy trình mới dự kiến giảm ít nhất bốn bước, trong đó đặc biệt nhất là khâu thu phí. Theo ông Khoa, người bệnh vào viện chỉ cần nộp thẻ bảo hiểm y tế, trước khi được phát - lãnh thuốc sẽ thu viện phí một lần, người bệnh không phải tạm ứng viện phí trong quá trình khám bệnh. “Người bệnh là khách hàng, để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, bệnh viện phải nhận phần khó về mình. Như thu phí hay photo giấy tờ liên quan đến bảo hiểm của bệnh nhân là bệnh viện phải làm. Kết quả xét nghiệm phải liên hoàn từ khoa xét nghiệm về phòng khám, không để bệnh nhân phải đợi” - ông Khoa yêu cầu.

Tuy nhiên, ý kiến của các giám đốc bệnh viện tại hội nghị đều thừa nhận thu phí như hiện hành vừa mất thời gian vừa không thông thoáng, người dân kêu nhưng không thu tạm ứng phí trước khi khám chữa bệnh thì lại sợ mất tiền, thất thoát viện phí. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa T.Ư Thái Nguyên Nguyễn Thành Trung nói: “Nếu thực hiện theo quy trình mới vẫn làm được, nhưng phải thống nhất sau này bảo hiểm phải thanh toán cho chúng tôi. Hiện bảo hiểm còn giữ của bệnh viện 40 tỉ đồng, bệnh viện mới thanh toán cho cán bộ được lương, phụ cấp, còn tiền thủ thuật phẫu thuật chưa có”.

Giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp Hà Hữu Tùng cũng nói: “Thu tạm ứng viện phí trước khi khám bệnh, tạm thu phí của người bệnh nội trú 10 ngày/lần như hiện nay người dân kêu lắm. Họ bảo các ông cứ chữa bệnh đi, đừng lấy đồng tiền làm thước đo. Nhưng không thu trước thì có thể có rủi ro”.

Cố mãi cũng chưa giảm

Một vấn đề được nói nhiều ở hội nghị là kết quả giảm tải bệnh viện. Theo cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, dù có thêm 500 giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam, 300 giường tại Bệnh viện K, 150 giường tại Bệnh viện Bạch Mai..., công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện tuyến T.Ư năm 2012 vẫn ở mức gần 120%. Trên toàn quốc, mức độ giảm tải chỉ giảm 1-2% so với năm trước. Dù đã có bình quân trên 24 giường bệnh/vạn dân, tăng mạnh so với đầu năm 2012 có trên 21 giường/vạn dân, nhưng tỉ lệ giường bệnh/vạn dân ở VN đang đứng thứ 99/140 nước có xếp hạng, tức ở mức rất thấp.

Bên cạnh cải tiến chất lượng dịch vụ, tăng số giường, siết chuyển tuyến là một trong những giải pháp giảm tải được nhắc đến nhiều. Theo đề án bệnh viện vệ tinh thực hiện từ năm 2013, các bệnh viện Bạch Mai, Nhi T.Ư, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 TP.HCM, Chợ Rẫy, Phụ sản T.Ư, Từ Dũ, T.Ư Huế, Việt Đức... sẽ là bệnh viện hạt nhân chuyển giao gói kỹ thuật toàn diện, đào tạo cán bộ cho bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh. Đây là biện pháp quan trọng để đạt mục tiêu đưa công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện có công suất quá cao xuống dưới 100% vào năm 2015, năm 2020 giải quyết bền vững quá tải bệnh viện. Yêu cầu của đề án đặt ra là giảm tối thiểu 15% chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân. Ngược lại, 100% bệnh viện hạt nhân sẽ chuyển bệnh nhân ở giai đoạn sau cấp cứu về bệnh viện vệ tinh để rút ngắn thời gian điều trị tại bệnh viện hạt nhân. Nhằm đạt yêu cầu này, cần nhất đào tạo cán bộ cho bệnh viện vệ tinh, nếu không kịp thời e rằng mọi chuyện lại vẫn như cũ.

* Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Không phụ thuộc vào quy trình đóng tiền

Hôm Bộ Y tế đến thăm Bệnh viện Ung bướu mới đây cũng có nói bệnh viện phải sắp xếp các phòng xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang.... nằm ngay khoa khám bệnh để bệnh nhân thuận tiện trong quy trình khám bệnh. Đây là một ý tưởng hay nhưng không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được. Với những bệnh viện có khu khám bệnh chật hẹp như Bệnh viện Ung bướu thì dù muốn cũng không thể sắp đặt thêm những phòng xét nghiệm hay phòng chụp X-quang... sát bên khu vực khám bệnh.

Với quy trình khám bệnh bình thường, bệnh nhân cần phải đóng viện phí trước khi khám bệnh, chứ khám bệnh và làm các xét nghiệm, chụp X-quang... cho bệnh nhân xong mới tiến hành thu sẽ khó cho bệnh viện vì có những bệnh nhân sau khi được khám, làm xét nghiệm, chụp X-quang... sẽ về luôn. Để quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân thuận lợi không tùy thuộc nhiều vào quy trình đóng tiền khám chữa bệnh trước hay sau mà vấn đề là cần phải tăng cường số bác sĩ khám bệnh, bàn khám bệnh tại các khoa khám bệnh và hạn chế những thủ tục phiền hà cho người bệnh.

* Bác sĩ Lê Bích Liên (phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM):

Làm đủ mọi cách nhưng vẫn quá tải

Đặt các phòng xét nghiệm, X-quang, siêu âm... bên cạnh phòng khám để thuận tiện cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh là thực hiện quy trình khám chữa bệnh một chiều. Với bệnh viện mới xây, có cơ sở rộng rãi sẽ dễ dàng thực hiện quy trình này nhưng với những bệnh viện đã được xây từ nhiều năm trước như Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì khó sắp xếp được theo quy trình một chiều như vậy. Bệnh viện chỉ cố gắng sắp xếp sao cho người bệnh đi khám được thuận tiện nhất, hạn chế tình trạng người bệnh phải đi tới đi lui.

Không đợi đến khi Bộ Y tế đưa ra quy trình khám bệnh này, từ nhiều năm nay Bệnh viện Nhi Đồng 1 luôn tìm cách rút bớt các bước khám bệnh cũng như rút ngắn thời gian khám bệnh cho bệnh nhân, nhưng do bệnh nhân đến khám tại bệnh viện quá đông nên bệnh viện vẫn đang trong tình trạng quá tải.

* Bác sĩ Đinh Thanh Hưng (giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú, TP.HCM):

Dễ thất thu viện phí

Bệnh viện quận Tân Phú vừa được xây dựng mới nên dễ dàng sắp xếp các phòng xét nghiệm, X-quang... ngay gần các phòng khám bệnh như Bộ Y tế đưa ra. Các khâu khám bệnh hiện bệnh viện đang thực hiện cũng có các bước gần giống như quy trình khám bệnh mà Bộ Y tế đưa ra. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở quy trình khám bệnh có bao nhiêu bước mà còn tùy thuộc vào thời gian mỗi bước mà các bệnh viện thực hiện. Vấn đề giải quyết quá tải cốt lõi vẫn là cần tăng cường bác sĩ và bàn khám bệnh cho bệnh nhân, cũng như tăng cường máy móc để phục vụ bệnh nhân. Về việc tiến hành thu phí bệnh nhân sau khi bệnh nhân được khám bệnh và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh xong là rất khó cho các bệnh viện, vì làm như vậy bệnh viện dễ bị thất thu viện phí.

THÙY DƯƠNG ghi

Nguồn Tuổi trẻ Online

Các tin khác