Phát biểu khai mạc Diễn đàn "Y tế Việt Nam hội nhập và phát triển" chiều
26/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong bối cảnh hội
nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng quốc tế, các đối tác phát
triển đã quan tâm và hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho ngành y tế
Việt Nam.
Tính đến hết quý 4 năm 2013, Bộ Y tế đang quản lý 42 chương trình, dự án
ODA với tổng kinh phí hơn 1.521 triệu USD. Ngoài ra, ngành y tế còn
nhận sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ với 108 dự án có tổng kinh
phí hơn 173 triệu USD. Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế tập trung cho các
ưu tiên phát triển của ngành đã đóng góp hiệu quả thiết thực vào sự
nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định Diễn đàn "Y tế Việt Nam hội nhập và phát triển" là
dịp để Bộ Y tế lắng nghe các ý kiến đóng góp của cộng đồng quốc tế và
các đối tác phát triển về các ưu tiên trọng tâm của ngành y tế; các kết
quả đã đạt được trong thời gian qua; khó khăn, thách thức cũng như đề
xuất các khuyến nghị liên quan đến từng lĩnh vực trong thời gian tới.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện một số Đại sứ quán, các cơ quan hợp
tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật, các tổ chức Liên hợp quốc, ngân hàng
quốc tế và các tổ chức nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực y tế tại
Việt Nam.
Tại diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận vào 4 nội dung chính
là các mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến y tế; phòng chống bệnh
truyền nhiễm mới nổi và tái bùng phát; phát triển nguồn nhân lực y tế,
đào tạo chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao; cải cách cơ chế tài chính,
trong đó có mục tiêu hướng tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam
đánh giá trong giai đoạn từ năm 2000-2013, Việt Nam đã có những nỗ lực
đáng kể để nâng cao tình trạng sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, hiện
nay cũng giống như các nước có mức thu nhập trung bình, Việt Nam đang
phải đối mặt với các vấn đề như những thách thức về kinh tế, chuyển đổi
về nhân khẩu học và dịch tễ học. Việt Nam đang phải đối mặt với gánh
nặng kép về các bệnh truyền nhiễm và các bệnh không truyền nhiễm. Chính
vì vậy, đầu tư vào y tế là cần thiết để tăng trưởng toàn diện và bền
vững trong tương lai.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe cần đáp ứng được thách thức của một đất nước
đang phát triển nhanh chóng, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc
biệt cho người nghèo, bảo hộ cho người dân khỏi những chi phí cao về y
tế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, các quốc gia và tổ chức quốc tế
đã dành nhiều chương trình học bổng cho các cán bộ y tế Việt Nam. Bên
cạnh đó, nhờ các hỗ trợ về hợp tác kỹ thuật và trao đổi chuyên môn
nghiệp vụ của các nước, ngành y tế Việt Nam đã tiếp nhận được nhiều
chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại trong cả lĩnh vực dự phòng và
điều trị; chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin sởi, vắcxin tả uống,
vắcxin viêm gan, vắcxin phòng chống cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1.
Lần đầu tiên ngành y tế Việt Nam đã thực hiện được kỹ thuật nong van hai
lá không cần phẫu thuật, các can thiệp không cần phẫu thuật để điều trị
bệnh tim bẩm sinh, kỹ thuật mổ tim hở...
Đặc biệt, sau khi triển khai thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế
toàn dân, toàn bộ người nghèo đã được Chính phủ hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y
tế và đối tượng cận nghèo đã được tăng mức hỗ trợ lên 70% mệnh giá bảo
hiểm y tế (thay vì 50% như trước đây). Hầu hết người nghèo, người dân
tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.../.
Nguồn Vietnam+