Theo thông báo của đại diện Tổ chức Y tế thế giới và Tổ
chức Nông lương thế giới tại hội nghị, tính đến ngày 3-5 ở Trung Quốc
đã có 128 người mắc cúm H7N9, trong đó 26 người tử vong, tỉ suất tử vong
khoảng 20% và là tỉ lệ cao so với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác (dịch
SARS có tỉ lệ tử vong khoảng 10,8%). Tính từ ca mắc đầu tiên ngày
18-2-2013 tại Trung Quốc, dịch H7N9 đã tăng mạnh trong thời gian từ ngày
29-3 đến 19-4, sau đó giảm dần. Từ ngày 28-4 đến nay chưa phát hiện ca
mắc mới. Mặc dù còn hiểu biết hạn chế về H7N9, Tổ chức Y tế thế giới và
Tổ chức Nông lương thế giới nhận định chưa có bằng chứng bệnh có thể lây
truyền từ người sang người.
115 triệu USD dùng vào việc gì?
Mua thiết bị giám sát thân nhiệt
UBND TP.HCM vừa chấp thuận cho Trung tâm Kiểm dịch y tế
quốc tế được mua sắm thiết bị hệ thống giám sát thân nhiệt tại khu vực
cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để thực hiện phòng chống dịch bệnh.
Tổng kinh phí dự kiến là 1,8 tỉ đồng với hình thức đấu thầu rộng rãi.
Q.THANH
|
Tại VN, tình hình còn tương đối an toàn khi báo cáo của
Cục Thú y cho hay: trên 500 mẫu bệnh phẩm gia cầm lấy từ các chợ gia
cầm sống và gà đẻ thải loại đều cho kết quả âm tính với virút cúm type
H7. Xét nghiệm sàng lọc 634 mẫu dương tính cúm A nhưng âm tính type
virút H5 thu thập từ tháng 9-2012 đến tháng 3-2013 qua các chương trình
giám sát, kết quả đều chưa phát hiện virút H7N9, tức H7N9 chưa lưu hành
tại VN. Giám sát dịch tại các cửa khẩu thì riêng trong tháng 4 có
140.000 khách Trung Quốc (vùng dịch) nhập cảnh, đo thân nhiệt từ xa phát
hiện một người bị sốt, tuy nhiên bệnh nhân không nhiễm H7N9.
Trong tình hình kể trên, việc Bộ Y tế đề xuất khoản
kinh phí gần 115 triệu USD để phòng chống cúm H7N9 đã khiến cử tọa bị
“dội”. Theo Bộ Y tế, có bốn phương án chống dịch đã được Bộ Y tế đặt ra.
Cần lưu ý rằng cũng với hoạt động này, Bộ Nông nghiệp và phát triển
nông thôn chỉ đề xuất khoản kinh phí 5,5 triệu USD cho các hoạt động ưu
tiên trong ngắn hạn.
Thống kê của Bộ Y tế tại hội nghị cho biết từ năm 2006
đến nay, đã có khoảng 270 triệu USD được đầu tư cho phòng chống các bệnh
truyền nhiễm, bệnh dịch như dịch cúm gia cầm H5N1, dịch cúm A/H1N1 đại
dịch... tại VN, trong đó có 150 triệu USD từ tài trợ quốc tế và 120
triệu USD là đối ứng của Chính phủ VN.
Đề xuất quá rộng tay?
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới tại
VN chia sẻ sẽ tìm cơ chế tài chính phù hợp để điều chuyển ngân sách
hiện có ở các dự án đang triển khai tại VN hoặc đề xuất tài chính mới
cho phòng chống cúm H7N9. Theo vị này, cùng mục tiêu phòng chống cúm,
hiện VN đang có dự án VAHIP. “Nhiều hoạt động đề xuất kinh phí mới để
chống cúm H7N9 chúng tôi thấy tương tự như các hoạt động đang triển
khai, nên lồng ghép các chương trình này, làm sao để làm nhiều việc với
chi phí ít” - đại diện Ngân hàng Thế giới đề nghị.
Trao đổi với báo giới bên lề cuộc họp về số tiền 115
triệu USD trong tình hình khó khăn này có phải là quá nhiều, Thứ trưởng
Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng trước khi công bố đề nghị này, Bộ Y
tế đã họp bàn với các tổ chức quốc tế, cùng xây dựng kế hoạch, khó có
thể so sánh với các dự án khác về việc tiền đề nghị nhiều hay không
nhiều.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh mục các khoản chi cho
chống cúm H7N9 với bảy hội thảo quốc tế, bốn chuyến học tại nước ngoài,
76 cuộc giao ban trực tuyến tại tuyến tỉnh, tám lớp tập huấn giám sát
cho tỉnh và huyện, 20 cuộc diễn tập phòng chống dịch... đã thấy đây là
đề xuất quá rộng tay trong thời điểm khó khăn. Riêng ở giai đoạn 1 (khi
chưa có trường hợp bệnh trên người), Bộ Y tế đã đề xuất đến gần 1 triệu
USD cho truyền thông và cung cấp thông tin về cúm H7N9, với hai hội thảo
liên ngành, hai lớp tập huấn cho báo chí, sản xuất các tài liệu truyền
thông như thông điệp truyền hình, truyền thanh, tranh gấp, apphich, sổ
tay hỏi đáp đường dây nóng, bản tin hằng tuần.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề nghị kinh phí
khủng này, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng có những
lý do khiến các tổ chức quốc tế đánh giá H7N9 nguy hiểm. “Có nghi ngờ
H1N1 và H5N1 kết hợp tạo ra chủng H7N9 vừa lây lan từ người sang người
như H1N1, vừa tử vong cao như H5N1 nên phải có kế hoạch chống dịch đến
nơi đến chốn, đó cũng là cơ sở cho quốc tế tài trợ cho VN” - ông Huấn
cho biết.
Cũng theo ông Huấn, hiện VN còn thiếu nhiều thiết bị y
tế có thể đáp ứng trong điều kiện có dịch lớn. Qua hai vụ dịch H5N1 và
H1N1 từ năm 2003 đến nay nhưng máy thở hiện vẫn chưa đủ, vẫn phải cần
thêm. Ông Huấn cho biết trước đây Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát
triển nông thôn từng cùng làm một kế hoạch chống dịch với kinh phí còn
nhiều hơn kế hoạch này của Bộ Y tế, sau này khi các tổ chức quốc tế
quyên được 1,9 tỉ USD cho hoạt động này, họ đã chuyển một phần đáng kể
cho VN.
Trao đổi với báo giới bên lề hội nghị về nhu cầu kinh
phí chống dịch H7N9 quá chênh lệch giữa hai bộ Y tế và Nông nghiệp và
phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
Vũ Văn Tám cho rằng hoạt động của cả hai bộ đều vì mục tiêu sức khỏe.
“Có thể vì kế hoạch của Bộ Y tế cụ thể hơn” - ông Tám nhận định.
Nguồn Tuổi trẻ Online