Từ hơn 3 năm qua, lần đầu tiên có một thương hiệu cơ sở y tế xã với tên gọi “tình chị em” cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Thương hiệu này đặt tại các trạm y tế xã/phường ở Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế và Vĩnh Long.
Không vượt tuyến y tế
Cuối tháng 4, Trạm Y tế xã Cù Vân (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) thực hiện chiến dịch KHHGĐ đợt I của năm. Chị em phụ nữ đến trạm chật kín tầng 1 với hơn 100 người. BS Nguyễn Thị Như - Trạm trưởng - cho hay: “Ngoài những yêu cầu KHHGĐ như đặt vòng, tiêm tránh thai, nhiều người còn muốn khám phát hiện sớm u vú, ung thư cổ tử cung soi cổ tử cung. Thông thường, đây là những dịch vụ làm ở trung tâm y tế huyện. Nhưng từ khi trạm y tế có các dịch vụ này, không chỉ chị em phụ nữ xã Cù Vân mà người dân xã lân cận như An Khánh cũng tới đây, không lên huyện nữa”.
Chị Nguyễn Thị Bảy (50 tuổi, ở xóm 5, xã Cù Vân) bị viêm xơ tuyến vú 10 năm trước. Chị đã siêu âm và chụp X-quang nhưng được xác định không có u ác tính. Tuy nhiên, chị rất hay bị đau nên vẫn lo lắng. Những giải thích của BS Như cặn kẽ và chỉ dẫn từng động tác giúp các chị em đến khám nhẹ đi nỗi lo không dễ thổ lộ cùng ai.
Bệnh nhân là khách hàng
Không chỉ khám và tư vấn về u vú, các dịch vụ soi cổ tử cung, khám sàng lọc ung thư cổ tử cung đều được cung cấp tại trạm từ năm 2011, khi tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam (MSIVN) hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện mô hình nhượng quyền xã hội mang tên “tình chị em” tại đây. Không như quan điểm truyền thống bệnh nhân phải tự tìm đến cơ sở y tế, ở đây người bệnh được coi như khách hàng. Trạm y tế là nơi cung cấp dịch vụ, nên phải đem đến cho khách hàng dịch vụ tốt với thái độ thân thiện. Vì thế, nếu so sánh với số ca đẻ ở trạm trước kia chỉ không đầy 30 trường hợp với năm 2012, số ca sinh tại trạm đã tăng gấp đôi, tất cả đều mẹ tròn con vuông. Theo BS Như, “thay đổi tư duy bệnh nhân là khách hàng, anh chị em ở trạm phải làm việc vất vả hơn. Nhưng bù lại, người dân phản hồi tốt về chất lượng phục vụ, và thu nhập trung bình cán bộ cũng được tăng lên từ 20- 30%”.
BS Vũ Hoài Nam - GĐ Trung tâm Y tế huyện Đại Từ - cho biết: “Tại 6 trạm y tế tham gia vào mạng lưới “tình chị em” như Cù Vân, lượng khách hàng đều duy trì ổn định và có xu hướng tăng. Mô hình nhượng quyền xã hội này bước đầu đã thành công vì thế. Vì thế, khi dự án nhượng quyền xã hội kết thúc vào cuối năm 2012 sau 3 năm thí điểm, huyện Đại Từ sẽ mở rộng thêm tại 3 xã Yên Lãng, Khôi Kỳ, Tân Linh và 1 phòng khám tại trung tâm y tế huyện”.
Hiện tại, 4 huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình và Đại Từ có 25 trạm y tế tham gia mô hình “tình chị em”. Theo BS Tôn Thị Minh - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Thái Nguyên: Mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng nhưng không lan tràn nhằm duy trì chất lượng của thương hiệu. Thực tế cho thấy, đây là mô hình cung cấp dịch vụ y tế gần gũi với người dân, thân thiện, được họ tin tưởng. Tư duy cần tiếp thị dịch vụ hầu như chưa có trong lĩnh vực y tế, vì thế khi đã gây dựng và thành công được, rất cần phải giữ. Đó cũng là cách mà y tế cơ sở “cạnh tranh” với tuyến cao hơn, giữ được một thương hiệu chăm sóc sức khỏe sinh sản cộng đồng.
Theo Laodong