TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản TƯ chia
sẻ với phóng viên Dân trí về việc hai bé sơ sinh ở Gia Lai và Kon Tum
được cho rằng “chết oan” vì siêu âm phát hiện dị tật nhưng khi kích sinh
non, hình thái hai em bé đều bình thường.
TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản T.Ư. Ảnh: H.Hải
Thưa ông, liên tiếp trong thời
gian gần đây, hai em bé sơ sinh đã vượt qua 28 tuần tuổi nhưng gia đình
đi phá thai vì hình ảnh siêu âm phát hiện dị tật. Tuy nhiên khi sinh ra,
hình thái em bé đều bình thường, bé nào cũng tự thở được sau một thời
gian thì tử vong. Ông đánh giá như thế nào về hai trường hợp này?
Trước hết, cần phải nói siêu âm là một phương pháp chẩn đoán cận lâm
sàng cho kết quả khá chính xác. Nhất là khi siêu âm màu 4D ở các tuần
thai 12 - 13 tuần, 22 tuần và 32 tuần thì rất có hiệu quả phát hiện các
dị dạng bất thường hình thái.
Nhưng để quyết định đình chỉ thai nghén một trường hợp, thì không thể
chỉ dựa vào siêu âm. Lúc này, siêu âm chỉ có giá trị gợi ý. Bác sĩ phải
tiến hành một loạt các xét nghiệm khác mới khẳng định được em bé có dị
tật hay không để ra quyết định đình chỉ thai nghén.
Riêng tại bệnh viện chúng tôi, khi xác định những dị tật bất thường,
chúng tôi có rất nhiều biện pháp để xác định bất thường thai nhi. Từ
siêu âm gợi ý, làm xét nghiệm, nếu có nguy cơ cao với hội chứng sắc thể
thì tư vấn người bệnh chọc ối để khẳng định bất thường hay không. Sau đó
thông báo với bệnh nhân và sếp vào lịch hội chẩn hàng tuần.
Với những thai to trên 22 tuần do dị tật (luật pháp cho phép phá thai
dưới 22 tuần), phải được sự thông qua của một Hội đồng chẩn đoán trước
sinh. Hội đồng này gồm các chuyên gia về nhi khoa, phẫu thuật nhi khoa,
chuyên gia về di truyền học, chuyên gia về tâm lý… cùng hội chẩn. Khi cả
Hội đồng khẳng định đứa trẻ này khi sinh ra không thể sống được, hoặc
sống với những dị tật nặng nề thì BGĐ mới chỉ định cho phá thai và thông
báo cho gia đình, tư vấn kỹ càng cho gia đình sản phụ về các nguy cơ,
thậm chí cả việc đứa trẻ sinh ra có thể sống được và việc quyết định có
phá thai hay không hoàn toàn là do sản phụ quyết định.
Với hai trường hợp này, khi siêu
âm đều phát hiện những dị tật bất thường nhưng khi sinh ra, hai bé đều
có hình thể bình thường như các trẻ khác và hai bé đều sống trong một
thời gian ngắn mới trút hơi thở cuối cùng. Xin ông giải thích về điều
này?
Sinh ra một em bé khỏe mạnh là niềm hạnh phúc vô bờ của các bà mẹ. Ảnh: H.Hải
Như tôi đã nói, khi đã phát hiện dị tật ở thai to trên 22 tuần và đã
có chỉ định phá thai, bác sĩ phải tư vấn kỹ cho sản phụ các nguy cơ,
thậm chí cả việc đứa trẻ khi sinh ra có thể sống được. Như hai trường
hợp này, hai bé khi sinh ra đều sống được một thời gian ngắn rồi mới tử
vong.
Nhưng cũng cần nói rõ, với những dị tật bên ngoài có thể nhìn thấy,
còn những dị tật bên trong đôi khi không biểu hiện qua hình thái bên
ngoài. Có nhiều đứa trẻ sinh ra hình thái bình thường nhưng có dị tật
bên trong. Còn người dân chỉ nhìn thấy hình thái bên ngoài của đứa trẻ.
Ví như đứa trẻ có bất thường thể trai, có bệnh lý tim mạch bẩm sinh,
bệnh rối loạn chuyển hóa hay như cháu bé ở Kon Tum vừa rồi, sau sinh đi
siêu âm thấy tràng dịch màng bụng, không có bàng quang… dù hình thể bên
ngoài các cháu hoàn toàn bình thường. Vì thế, không thể nói một đứa trẻ
sinh ra với hình thái bình thường thì không có dị tật bên trong.
Với trường hợp thai 33 tuần tuổi ở
Kon Tum, bác sĩ chỉ dựa vào siêu âm để khuyên người bệnh đình chỉ thai,
đó có phải là một sai xót trong chẩn đoán, thưa ông?
Rất khó để trả lời câu hỏi này vì chúng tôi không làm trực tiếp ca
bệnh, không có bằng chứng siêu âm. Tôi không khẳng định được trường hợp
này bởi không phải là bác sĩ trực tiếp tham gia ca bệnh.
Về nguyên tắc, để đình chỉ những trường hợp thai to này, bệnh viện
phải tư vấn cho bệnh nhân, hội chẩn rộng rãi, mời các chuyên khoa. Nhưng
cũng phải nhìn nhận vào tình hình thực tế, có những nơi khó khăn chưa
đủ bác sĩ, chưa đủ phương tiện để chẩn đoán.
Vậy với một trường hợp bình thường
chẩn đoán không có dị tật, sinh non ở tuần thai tương tự, em bé nặng
trên 2kg thì khả năng em bé sống sót có cao không, thưa ông?
Thực ra tùy từng hoàn cảnh bệnh nhân. Xét về đứa trẻ 2,6kg, đã 33
tuần khi sinh ra tại sao bé chết? Phải xem xét xem có bất thường không.
Bởi về lô-gic, với một trẻ sinh ra khi trên 30 tuần, cân nặng khoảng 2kg
là có thể sống được. Viện tôi đã từng nuôi sống hai trẻ sinh ở tuần 26
chỉ nặng 500 gram.
Theo ông, có cách nào để khẳng định hai em bé này liệu có mắc các dị tật như trong hình ảnh siêu âm mà bác sĩ chẩn đoán?
Tôi cho rằng, với những trường hợp này, phải có giám định pháp y mới
có thể góp phần chẩn đoán để trả lời được những thắc mắc của gia đình
người bệnh. Bởi chỉ có giải phẫu bệnh mới có thể khẳng định các bé có dị
tật bẩm sinh hay không.
Ông có lời khuyên gì với các thai phụ khi bác sĩ phát hiện dị tật qua siêu âm?
Thai phụ nên đi khám thai, siêu âm đúng lịch hẹn của bác sĩ bởi các
“mốc” siêu âm rất quan trọng với việc chẩn đoán phát hiện dị tật thai
nhi. Còn khi phát hiện có những nghi ngờ về dị tật thai nhi trên hình
ảnh siêu âm, không nên vội vã quyết định mà cần phải bình tĩnh đến viện
khám để được tiến hành siêu âm lại, làm các xét nghiệm cần thiết. Khi
Hội đồng chẩn đoán trước sinh thống nhất đình chỉ thai nghén thì mới nên
quyết định. Bởi đây đều là những chuyên gia đầu ngành, đã cùng thảo
luận về những nguy cơ dị tật (dựa trên kết quả siêu âm và các xét
nghiệm) cho thấy, em bé sinh ra khả năng sống rất thấp, hoặc sống mà
mang những dị tật nặng nề ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, thể chất
của bé.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Báo điện tử Dân trí