Ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Phê duyệt Chương trình mục tiêu
quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015 với tổng kinh phí là 12.770 tỷ đồng.
Chương trình có phạm vi thực hiện ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, mục tiêu
hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ trung ương đến cơ sở.
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm chủ động phòng, chống một số bệnh xã hội,
bệnh dịch nguy hiểm, phát hiện dịch sớm, dập tắt dịch kịp thời, không để dịch
lớn xảy ra.
Chương trình còn hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do
một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm, góp phần thực hiện công bằng xã hội
trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Về bệnh ung thư, Chương trình đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về
phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư. Đồng thời, tăng 5-10% tỷ lệ bệnh nhân ung
thư được phát hiện ở giai đoạn sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại
ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng.
Đối với bệnh tăng huyết áp, chương trình phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% người dân
hiểu đúng về bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh tăng huyết áp và 80% cán bộ
y tế hoạt động trong phạm vi dự án được đào tạo về biện pháp dự phòng, phát hiện
sớm và điều trị bệnh này.
Thông qua chương trình, mạng lưới điều trị cũng sẽ được nâng cấp và hoàn thiện
để phấn đấu đến năm 2015 có 100% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa Nội tiết.
Chương trình cũng đặt mục tiêu trên 90% số trẻ em dưới 1 tuổi ở các quận, huyện
được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin (lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván,
viêm gan B, sởi và Hib) theo đơn vị huyện; loại trừ bệnh sởi vào năm 2012.
Nhằm chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em,
Chương trình phấn đấu 90% trẻ suy dinh dưỡng nặng dưới năm tuổi được nhận các
can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp, giảm 17% số ca tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi
liên quan đến suy dinh dưỡng nặng.
Về người khuyết tật, chương trình sẽ củng cố phát triển hệ thống và nâng cao
chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người
khuyết tật về mọi mặt để họ được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt
động xã hội. Theo đó, sẽ có 80% người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với
các dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp.
Chương trình cũng sẽ tăng cường năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe quân và dân
vùng biên giới hải, hải đảo khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh, vùng sâu,
vùng xa; sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp.
Theo quyết định, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành
và các địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế cần lồng ghép với các chương trình kinh tế-xã
hội khác để nâng cao hiệu quả của chương trình./.
Nguồn Vietnam+