Từ một bệnh viện mà người dân quen gọi là “bệnh viện
kính chuyển” bởi đến một ca gãy tay cũng không có người bó bột, nay bệnh
viện quận Thủ Đức (TP.HCM) đã có thể thực hiện những ca phẫu thuật khó
nhất.
Đầu năm 2009, bệnh viện quận Thủ Đức đột phá bằng hai
ca phẫu thuật: một ca chấn thương sọ não do té cầu thang gây tụ máu
trong não, tụ máu ngoài màng cứng và một ca mổ sọ não do tai biến. Việc
thực hiện thành công hai ca đầu tiên này khiến lãnh đạo bệnh viện và
êkíp phẫu thuật sướng đến “rơi nước mắt”. Từ đó đến nay, hầu như ngày
nào bệnh viện cũng thực hiện một ca mổ chấn thương sọ não.
Từ một bệnh viện chuyên “kính chuyển”, đến nay bệnh viện quận Thủ Đức đã có thể mổ thay khớp, mổ sọ não... Ảnh: Thanh Hảo
|
BS Nguyễn Minh Quân, giám đốc bệnh viện quận Thủ Đức
cho hay, cách đây năm năm, khi ông về làm giám đốc, bệnh viện này mới
được thành lập trên nền của trung tâm y tế cũ. Lúc đó, bệnh viện chỉ có
một máy siêu âm xách tay, một máy xét nghiệm đơn giản, một máy monitor
theo dõi và 17 bác sĩ/99 nhân viên. Với đội ngũ y bác sĩ và cơ sở vật
chất nghèo nàn như vậy nên bệnh viện chủ yếu khám chữa những bệnh thông
thường, sơ cứu, mỗi ngày chưa đến 400 bệnh nhân đến khám; khu nội trú
cũng chỉ có 12 người nằm.
Để thay đổi tình trạng trên, bác sĩ Quân suy nghĩ “phải
hành động chứ không thể ngồi chờ”. Chẳng hạn, ông đi mời từng bác sĩ về
làm việc tại bệnh viện. Tuy nhiên, việc này không dễ bởi bệnh viện
thiếu thốn cơ sở vật chất, lại không có chế độ ưu đãi, và kinh phí cũng
không có. Không đầu hàng, ông đi vay mượn, xoay xở bằng mọi cách, thuyết
phục bác sĩ có tay nghề đã về hưu hoặc bác sĩ từng bỏ bệnh viện công ra
làm tư về làm việc tại bệnh viện Thủ Đức. Với nhân viên trong bệnh
viện, ông động viên, kích thích họ tìm giải pháp phát triển bệnh viện...
“Tôi phải đi mượn máy móc, tiền, mua thiếu, mua nợ... để có máy móc
hiện đại”, BS Quân cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, nhân viên bệnh viện toả đi các nơi
để phát tờ bướm quảng cáo tới công nhân của các doanh nghiệp. Lãnh đạo
bệnh viện cũng đến các công ty, xí nghiệp để thuyết trình, giới thiệu
với họ về bệnh viện mình. BS Quân nói: “Muốn cho người ta biết đến mình
thì phải quảng bá, nhưng điều quan trọng nhất là bản thân mình phải làm
tốt trước. Từ đó, các công ty đã đến đăng ký khám bệnh cho nhân viên”.
Với nhiều giải pháp, cộng với sự nỗ lực của đội ngũ y
bác sĩ, đến nay bệnh viện này đã phát triển lên 28 khoa điều trị, 500
giường bệnh với hơn 2.500 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Có thể thực hiện
mổ thay khớp, mổ sọ não, mổ cột sống, tán sỏi qua da… với nhiều máy móc
hiện đại.
BS Nguyễn Văn Châu, nguyên giám đốc sở Y tế TP.HCM cho
rằng, để phát triển các bệnh viện quận/huyện, đặc biệt là những bệnh
viện cửa ngõ của thành phố nhằm giảm tải cho các bệnh viện trung tâm,
thì phải có chủ trương cụ thể và sự đầu tư đúng mức về trang thiết bị y
tế, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh
viện Thủ Đức và Củ Chi (60% bệnh nhân ở đây đến từ ba tỉnh Bình Dương,
Tây Ninh và Long An, giảm tải cho các bệnh viện trung tâm thành phố)
phát triển vượt bậc là nhờ được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Nguồn SGTT Online