Tin tức
Trang chủTin tức

Bác sĩ gia đình: Những bước đầu tiên trên đường dài…

Thứ Ba, 03/07/2012 13:25
Xuất hiện chỉ từ 10 năm nay tại Việt Nam, cái tên Bác sĩ gia đình dường như còn khá mới mẻ trong suy nghĩ của nhiều người. Người bảo đó là bác sĩ tư vấn, bác sĩ cấp phường/xã; kẻ bảo là dịch vụ bác sĩ chăm sóc sức khỏe đến tận nhà… Thậm chí trong mắt nhiều đồng nghiệp, Bác sĩ gia đình còn bị xem là một  chuyên ngành xoàng xĩnh, dành cho những bác sĩ… kém tài! Hoặc nếu có biết qua một chút về chuyên ngành này, nhiều người lại cho rằng sự ra đời của bác sĩ gia đình sẽ cạnh tranh với bác sĩ chuyên khoa bởi sự “dài tay” của mình (!?).

Thực hư thế nào, để tìm hiểu một cách thấu đáo vấn đề này, chúng tôi đã “gõ cửa” PGS TS BS Phạm Lê An, Trưởng Trung tâm Đào tạo Bác sĩ gia đình ĐH Y Dược TP.HCM (ảnh) - một trong những người đi tiên phong phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe mới này tại Việt Nam.

Không chỉ là người “kê toa”

Theo định nghĩa, bác sĩ gia đình “là bác sĩ chuyên khoa y hoc gia đình được đào tạo để chăm sóc sức khỏe cho mọi cá nhân không phân biệt tuổi tác, giới tính hay loại bệnh tật; chăm sóc ban đầu và chăm sóc liên tục cho toàn bộ gia đình trong cộng đồng của họ, nhấn mạnh về vấn đề thể lực, tâm lý và xã hội, hợp tác điều trị với các chuyên khoa khác khi cần”.

Nói một cách đơn giản nhất bác sĩ gia đình là bác sĩ lâm sàng được huấn luyện hướng về gia đình, là người nắm rõ từng hoàn cảnh  bệnh nhân cũng như tiền sử gia đình của họ. Vì vậy chăm sóc bệnh nhân đó là một quá trình chăm sóc sức khỏe toàn diện không chỉ khi ốm đau mà còn cả những lúc khỏe mạnh. Để làm được điều đó, giữa bệnh nhân và bác sĩ phải xây dựng một liên kết lâu dài. Bên cạnh đó, người bệnh được bác sĩ gia đình chăm sóc một cách liên tục. Là những thầy thuốc điều trị ngoại trú khá giỏi, các bác sĩ gia đình điều trị bước đầu như các chuyên khoa và họ có kinh nghiệm lâm sàng để định hướng cho bệnh nhân đi đúng chuyên khoa cần khám nếu tình trạng bệnh nhân vượt quá khả năng chuyên môn. Hoạt động bác sĩ gia đình trong chăm sóc ban đầu sẽ trực tiếp giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan. Điều này giúp giảm tải bệnh viện và chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Để lý giải điều này, BS An ví von vai trò của bác sĩ gia đình giống người bác sĩ ngoại trú khám bệnh lâu năm. Khi khám bệnh ngoài việc quan tâm đến bệnh lý của bệnh nhân, họ  còn chú ý đến tiền sử bệnh, các yếu tố tác động của gia đình lên bệnh tật (sống trong hoàn cảnh khác nhau thì triệu chứng bệnh cũng khác nhau) để có thể kê toa bệnh sát với hoàn cảnh người bệnh khiến người bệnh đáp ứng thuốc và khỏi bệnh nhanh hơn. Điều này cũng tránh được cảnh bệnh nhân phải đi khám từ bác sĩ này qua bác sĩ khác, từ bệnh viện này qua bệnh viện khác vẫn không khỏi bệnh, áp lực từ bệnh tật khiến họ ngày càng mệt mỏi và suy sụp tinh thần. Chuyên khoa Bác sĩ gia đình ra đời với mục tiêu chăm sóc toàn diện, liên tục cho các lứa tuổi theo vòng đời và khác với các chuyên khoa khác, phương pháp điều trị của bác sĩ gia đình là quan tâm đến sự tuân thủ của bệnh nhân.

Bác sĩ gia đình được đào tạo nhận biết và xử lý những bệnh thông thường một cách “chắc tay” một số chuyên khoa như: nội, ngoại, nhiễm, nhi, sản, da liễu, mắt, tai mũi họng, tâm thần, lão khoa, y học cổ truyền… theo nhu cầu của địa phương từ đó xử trí bước đầu như một thầy thuốc chuyên khoa. Vì vậy có thể nói, Bác sĩ gia đình là chuyên khoa của đa khoa và Bác sĩ gia đình cũng không tài giỏi đến mức “thâu tóm” hết các chuyên khoa như mọi người thường nghĩ, BS An cho biết.
Bác sĩ gia đình: Những bước đầu tiên trên đường dài
Khám bệnh tại phòng khám Bác sĩ gia đình

Đừng để “Bình cũ rượu mới”

Cùng với Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y dược TP. HCM là những trường đầu tiên thành lập ngành Y học gia đình và đã thiết lập chương trình chuyên khoa cấp I. Đến nay trường đã đào tạo được 11 khóa Bác sĩ chuyên khoa 1 (trong đó đã có 9 khóa tốt nghiệp với số lượng 57 bác sĩ) và 6 lớp định hướng Y học gia đình, thế nhưng số lượng bác sĩ được hành nghề đúng nghĩa chỉ là những con số đếm được trên đầu ngón tay. Không phải là họ không có lòng đam mê để theo đuổi nghề… mà chỉ vì đây là một chuyên ngành quá mới mẻ nên hiện nay tại TP. HCM chỉ mới có một phòng khám Bác sĩ gia đình nằm trong Bệnh viện Đại học Y dược (đây cũng là điểm thực hành của sinh viên chuyên ngành Bác sĩ gia đình) và 1 cơ sở y tế tư nhân có khoa khám bác sĩ gia đình. “Người bác sĩ gia đình chưa được hành nghề một cách đúng nghĩa, vì Việt Nam chưa tổ chức được một hệ thống y tế gia đình khám chuyển bệnh và quản lý ở các tuyến. Đây là một trong những rào cản khiến người học chuyên ngành này thấy nản”, BS An tâm sự.

Với mong muốn phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được hoạt động song song với hệ thống y tế hiện nay, từ trạm y tế phường xã đến bệnh viện tuyến trung ương cũng như các phòng khám đa khoa tư nhân…  là cả một quá trình lâu dài phía trước. Không nôn nóng, không vội vã và tỉnh táo… để đi đúng con đường đã được vạch ra từ đầu và cũng là để chứng minh tính thực tiễn của chuyên khoa này, theo BS An thì trong đào tạo chuyên ngành Bác sĩ gia đình cơ sở phải có đầy đủ thực lực, có thời gian và có chất lượng để đào tạo một người bác sĩ gia đình đúng nghĩa, nếu không tiếng đời chê bai “bình cũ rượu mới” và những suy nghĩ không đúng của mọi người khi nói về bác sĩ gia đình sẽ trở thành sự thật.

Nguồn Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TPHCM

Các tin khác