Tin tức

Mỡ bụng và loãng xương

Thứ Năm, 09/05/2013 13:26
Hôm nay có dịp “khoe” một nghiên cứu mới nhất của nhóm tôi. Đây là một công trình nghiên cứu nằm trong nhóm công trình về béo phì và loãng xương mà chúng tôi theo đuổi. Công trình này được công bố trên Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism (theo chỉ số eigenfactor tập san này hình như xếp hạng 1 trong ngành nội tiết). Viện Garvan và tập san JCEM ra thông cáo báo chí (xem dưới đây), nên tôi cũng phải có đôi dòng giới thiệu.

Béo phì và loãng xương có liên quan nhau. Mối liên quan bắt đầu từ mức độ sinh học phân tử, nhưng cũng ở mức độ lâm sàng. Phụ nữ có trọng lượng cao thường có nhiều estrogen và bảo vệ họ khỏi mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. Ngoài ra, người nào có nhiều mỡ mông khi bị té thì ít bị gãy xương vì có mỡ … bảo vệ.

Nhưng trong thời gian gần đây, có vài nghiên cứu (hay vài người) cho rằng người béo phì có nguy cơ gãy xương cao hơn người có cân nặng bình thường. Đó là một “phát hiện” rất lạ, vì nó không phù hợp với những hiểu biết về cơ chế sinh học giữa mỡ và xương. Những nghiên cứu này được báo chí chú ý rất nhiều, vì nói chung ở phương Tây, người béo phì bị xã hội kì thị và lên án, và những nghiên cứu như thế nó đi đúng với “quan điểm chính thống” cho rằng béo phì hay quá cân là xấu. Tôi thì nghi ngờ quan điểm này. Tôi không tin rằng béo phì làm tăng nguy cơ gãy xương. Nhưng tôi phải có gì chứng minh, chứ nói “không tin” hay “tin” thì giống như niềm tin tôn giáo hơn là khoa học.

Béo phì thường được phân nhóm và đánh giá bằng BMI (body mass index), tức lấy trọng lượng chia cho chiều cao bình phương. Nói cách khác, đơn vị của BMI là kg/m2. Nhưng dân trong nghề đều biết BMI là chỉ số rất tồi để đo béo phì. BMI không phân biệt được lượng cơ và lượng mỡ, do đó người như Arnold Schwarzenegger có thể xem là “béo phì”, dù trong thực tế thì ông ta có nhiều lượng cơ hơn là mỡ, nên không thể là béo phì.

Ngay cả mỡ cũng chưa phải là tiêu chí tốt để đánh giá béo phì. Một người có nhiều mỡ chỉ phản ảnh một câu chuyện; câu chuyện quan trọng hơn là lượng mỡ đó phân bố ở đâu trong cơ thể. Nếu phần lớn mỡ ở phần mông, tay, chân, v.v. thì không đến nổi quan tâm. Nhưng nếu mỡ tích tụ ở phần bụng thì đó mới là điều đáng quan ngại. Thật vậy, lượng mỡ bụng là một yếu tố có liên quan với tiểu đường và bệnh tim mạch. Do đó, chúng tôi quyết định chọn mỡ bụng để nghiên cứu về béo phì và loãng xương.

Đo mỡ bụng là cả một vấn đề. Phương pháp chuẩn (và đắt tiền) là MRI. Trong công trình này, chúng tôi dùng DXA để scan mỡ toàn thân, rồi dùng một software trong DXA để ước tính lượng mỡ bụng. Hóa ra, phương pháp DXA có mối tương quan rất cao với lượng mỡ đo bằng MRI (hệ số tương quan 0.95-0.98). Phải đo trên hơn 1000 người nên rất công phu và khó khăn.

Kết quả cho thấy những phụ nữ có mỡ bụng càng cao thì nguy cơ gãy xương càng thấp! Họ cũng là những người có xương tốt (hiểu theo nghĩa mật độ xương cao). Phụ nữ với >2 kg mỡ bụng có nguy cơ gãy xương thấp hơn 40% so với những người có mỡ bụng dưới 1.5 kg. Nhưng đối với nam giới thì mỡ bụng chẳng có ảnh hưởng gì đến loãng xương cả. Nói cách khác, kết quả của chúng tôi đi ngược lại với những nghiên cứu cho rằng béo phì có hại cho xương.

Mấy năm gần đây có xu hướng cho thấy số ca gãy xương toàn cầu có phần suy giảm. Câu hỏi là tại sao? Có người cho rằng nhờ sử dụng bisphosphonates trong điều trị nên dẫn đến giảm số ca gãy xương. Cũng có thể. Nhưng tôi muốn thêm một lí do: đó là do tình trạng gia tăng số người quá cân và béo phì trên thế giới. Vì nghiên cứu của chúng tôi cho thấy quá cân "bảo vệ" giảm nguy cơ gãy xương, nên có thể suy luận rằng do chính vì sự gia tăng béo phì và quá cân làm giảm nguy cơ gãy xương. Cái thông điệp này đã được rất nhiều báo chí thế giới và các tạp chí chuyên ngành chuyển tải trong thời gian 1 tuần qua.

Béo phì có thể có hại cho vài bệnh khác, nhưng với loãng xương thì hình như quá cân không có gây tác hại. Sẵn đây cũng cần nói thêm rằng nhiều người kêu gọi phải giảm tiêu chuẩn BMI xuống 25 hay 27 để chẩn đoán béo phì cho người Á châu vì họ cho rằng ở trên ngưỡng đó là có hại. Nhưng tôi không đồng ý. Chứng cứ (rất nhiều chứng cứ) cho thấy ở người Á châu, chỉ khi nào BMI trên 32 hay 33 thì mới tăng nguy cơ tử vong. Nhiều người (nhất là mấy đồng nghiệp Singapore) vì lí do nào đó cho rằng cần phải giảm chỉ số BMI xuống để chẩn đoán béo phì cho người châu Á, nhưng họ chỉ nói mà chẳng dựa vào chứng cứ. Điều đáng buồn là nhiều đồng nghiệp VN có vẻ tin vào họ và quảng bá quan điểm vô chứng cứ của họ!

Nguồn Nguyễn Văn Tuấn (nguyenvantuan.net)

Các tin khác